Những ưu điểm của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NN CNC) tại Việt Nam

“Nông nghiệp Công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ” Đó là ý kiến của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Những ưu điểm của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NN CNC) tại Việt Nam:

1. NN CNC tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

Hình ảnh nhà màng trồng dưa lưới Sugat Vina theo tiêu chuẩn Globalgap tại Sóc Sơn – Hà Nội

Các bài học kinh nghiệm của Israel cho thấy khi áp dụng công nghệ cao thì mỗi ha trồng cà chua cho ra 250 – 300 tấn/năm , trong khi với cách sản xuất truyền thống của nước ta thì năng suất chỉ đạt khoảng 20 – 30 tấn/ha/năm. Cũng như vậy, một ha trồng hoa hồng ở nước ta chỉ cho khoảng 1 triệu cành với doanh thu từ 50 – 70 triệu đồng/ha/năm thì ở Israel con số tương ứng là 15 triệu cành chất lượng đồng đều và hiển nhiên doanh thu cũng cao hơn. Không những vậy việc ứng dụng khoa học công nghệ cao còn giúp nhà sản xuất tiết kiệm các chi phí như nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và do đó góp phần bảo vệ môi trường. Chính những lợi ích như vậy mà sản xuất NN CNC đã và đang trở thành mẫu hình cho nền nông nghiệp thế kỷ XXI.

2. NN CNC sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu do đó quy mô sản xuất được mở rộng.

Việc ứng dụng hiệu ứng nhà kính để tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiêp cũng như ứng dụng các thành tựu công nghệ khác để tạo ra các cơ sở trồng trọt chăn nuôi hiện đại, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu đã khiến nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất của mình cũng như khắc phục được tính mùa vụ nghiệt ngã trong sản xuất nông nghiệp. Do không phụ thuộc mùa vụ và thời tiết nên có thể cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao hơn và do đó đạt lợi nhuận cao hơn các sản phẩm chính vụ. Không những vậy, hiệu ứng nhà kính với các môi trường nhân tạo được tạo ra đã tránh được các rủi ro thời tiết, sâu bệnh và hiển nhiên là năng xuất cây trồng vật nuôi trên một đơn vị đất đai sẽ tăng lên, sản phẩm nhiều lên thì tất yếu thị trường được mở rộng hơn. Mặt khác môi trường nhân tạo thích hợp với các giống cây trồng mới có sức chịu đựng sự bất lợi của thời tiết cao hơn đồng thời chống chịu sâu bênh lớn hơn. Điều này thích hợp với các vùng đất khô cằn không thuận với sản xuất nông nghiệp như vùng trung du, miền núi, vùng bị sa mạc hóa v.v. Ở Việt Nam đã xuất hiện các mô hình trồng hoa lan, cà chua, rau quả công nghệ cao theo các tiêu chuẩn VIETGAP và GLOBALGAP… ở nhiều tỉnh thành đã bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU.

3. Sản xuất NN CNC giúp giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất, nước do tính ưu việt của các công nghệ này như công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ và tự động hóa sản xuất. Với việc tiết kiệm chi phí và tăng năng xuất cây trồng vật nuôi, quá trình sản xuất rễ rằng đạt được hiệu quả theo quy mô và do đó tạo ra nền sản xuất lớn với lượng sản phẩm đủ để cung cấp cho quá trình chế biến công nghiệp. Cũng nhờ thương mại hóa được sản phẩm mà các thương hiệu sản phẩm được tạo ra và cạnh tranh trên thị trường. Lợi thế về quy mô và chi phí thấp là các yếu tố đảm bảo các sản phẩm nội địa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập ít nhất ở chi phí vận chuyển và marketing.

Những ví dụ về trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới ở một số tỉnh thành đã cho thấy doanh thu đạt 120 – 150 triệu đồng/ha, gấp 2 – 3 lần canh tác theo lối truyền thống. Các mô hình trồng hoa – cây cảnh ở Đà Lạt và chè ô long ở Lâm Đồng cũng cho thấy dây truyền sản xuất khép kín cây giống, ươm, chăm sóc, thu hoạch trong nhà lưới với hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt theo tiêu chuẩn Israel đã cho năng suất và chất lượng sản phẩm hơn hẳn cách sản xuất truyền thống, sử dụng màng phủ. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất giống cây, chăn nuôi lợn, gà quy mô công nghiệp theo công nghệ Nhật Bản đã và đang mang lại những hiệu quả to lớn, giúp người sản xuất có thu nhập gấp 2 thậm chí là gấp nhiều lần so với mô hình sản xuất truyền thống. Cùng với đó là sự tham gia của các tập đoàn, công ty và các doanh nghiệp lớn đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực này như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Hòa Phát và mới đây là tập đoàn Vingroup đầu tư vào hơn 1000ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc (rau, hoa) đã minh chứng cho sự phát triển đúng đắn của loại hình nông nghiệp này, và trong tương lai không xa sẽ còn nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

Để nông nghiệp thực sự là một thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, có thương hiệu mạnh và đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế cần phải tiến hành đầu tư mạnh mẽ và bài bản cho sản xuất nông nghiệp, mở rộng và phát triển hơn nữa các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo và hỗ trợ người nông dân trong sản xuất với sự đồng hành của mô hình liên kết 4 nhà: “Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp và Nhà nông” sẽ là hướng đi đột phá của nông nghiệp Việt Nam trong thời đại mới.

(Nguồn: theo BM Di truyền – giống)

Lưu ý: chương trình KHUYẾN MÃI chào Xuân Tân Sửu vẫn đang trong thời gian được áp dụng. Quý khách cần thi công nhà màng, nhà kính công nghệ cao, xin vui lòng INBOX hoặc liên hệ HOTLINE ngay với chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết

CÔNG TY CP SUGAT VIỆT NAM – NIỀM TIN TẠO NÊN GIÁ TRỊ

  • Trụ sở: Số 2, Ngõ 204, Đường Cổ Linh, Quận Long Biên, TP Hà Nội
  • Facebook: https://www.facebook.com/sugatvina
  • Hotline: 0989.432.668/ 0913.433.922